Theo truyền thông trong nước, ngày 11/1/2025, Bộ Nội vụ thông báo thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ủy ban Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ.
Đây là bộ được thành lập mới duy nhất trong đợt tinh gọn bộ máy của Chính phủ.
Ai là Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo?
Quốc hội Việt Nam chiều 18/2 đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021-2026. Theo nghị quyết này, ông Đào Ngọc Dung được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo.
Ông Đào Ngọc Dung từng là Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Quá trình công tác của ông Đào Ngọc Dung:
- Ông Đào Ngọc Dung sinh năm 1962, quê ở Hà Nam.
- Ông là Cử nhân Luật, Thạc sĩ Quản lý hành chính công, có 4 khóa tham gia Ban Chấp hành Trung ương (X, XI, XII, XIII) và 2 khóa làm đại biểu Quốc hội (XIV, XV).
- Đi lên từ vị trí của một cán bộ huyện đoàn, ông Dung dần trải qua và nắm giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng liên quan công tác đoàn như Phó Bí thư huyện đoàn rồi Bí thư Tỉnh đoàn Nam Hà.
- Giữa năm 1996, ông trở thành Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nam Hà, sau đó làm Bí thư rồi Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn.
- Sau gần 2 năm giữ chức quyền Bí thư thứ nhất rồi Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ông Dung kinh qua nhiều vị trí khác, trước khi về địa phương làm Phó Bí thư Thường trực rồi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái.
- Sau gần 2 nhiệm kỳ đảm đương cương vị Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội, ông Dung được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo.
Bộ Dân tộc và Tôn giáo là gì?
Bộ Dân tộc và Tôn giáo được thành lập trên cơ sở Ủy ban Dân tộc hiện nay và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ; đồng thời bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về dân tộc.
Ở Việt Nam, Bộ Dân tộc và Tôn giáo mới được thành lập trên cơ sở của 2 cơ quan sau:
1. Ủy ban Dân tộc
Đây là cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam, có nhiệm vụ quản lý và thực hiện các chính sách liên quan đến dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế – xã hội ở vùng dân tộc và miền núi.
2. Ban Tôn giáo Chính phủ
Đây là cơ quan trước đây thuộc Bộ Nội vụ, có chức năng tham mưu cho Chính phủ về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo.
Hai cơ quan này phối hợp để giải quyết các vấn đề liên quan đến dân tộc và tôn giáo ở Việt Nam.
Chức năng, nhiệm vụ của Bộ Dân tộc và Tôn giáo
Bộ Dân tộc và Tôn giáo sẽ chỉ đạo triển khai thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng, đó là:
- Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
- Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
2 chương trình này có rất nhiều hợp phần liên quan và liên kết với nhau vì mục tiêu chung đều là nâng cao đời sống người dân.
Một nhiệm vụ lớn nữa là phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công các công trình hạ tầng và giải ngân đầu tư công các công trình trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tích cực, chủ động tham mưu xây dựng các chương trình, đề án, chính sách dân tộc; hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật về công tác dân tộc và chính sách dân tộc.
Dưới đây là các chức năng nhiệm vụ chính của Bộ Dân tộc và Tôn giáo:
Tham mưu xây dựng chính sách dân tộc và tôn giáo
- Đề xuất và xây dựng các chính sách, chương trình nhằm phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc và miền núi.
- Đảm bảo quyền bình đẳng giữa các dân tộc, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.
- Đề xuất, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
- Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo trên toàn quốc.
Quản lý hoạt động tôn giáo
- Quản lý, hướng dẫn hoạt động của các tổ chức tôn giáo, đảm bảo các hoạt động này tuân thủ pháp luật.
- Xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo, ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp, xung đột liên quan đến tôn giáo.
Hỗ trợ và phát triển tổ chức tôn giáo
- Xem xét và giải quyết các thủ tục pháp lý liên quan đến việc công nhận tổ chức tôn giáo.
- Hỗ trợ các tổ chức tôn giáo trong việc bảo tồn giá trị văn hóa, truyền thống.
Tổ chức thực hiện các chương trình, dự án
- Quản lý, chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia như xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
- Giám sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách dân tộc.
Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa
- Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng dân tộc và đoàn kết dân tộc.
Kế hoạch năm 2025 của Bộ Dân tộc và Tôn giáo
- Năm 2025, Bộ phấn đấu phải làm xong được nhà cho người nghèo bằng mọi sự nỗ lực và cố gắng; đồng thời năm 2025 phải tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn I và chuẩn bị chu đáo cho giai đoạn II của Chương trình.
- Bên cạnh đó, năm 2025, Bộ Dân tộc và Tôn giáo cần tập trung thực hiện tốt công tác giải ngân các Chương trình MTQG; sớm bố trí vốn trong năm 2025 cho các địa phương.
- Bộ cần rà soát, tổng kết, đáng giá để xây dựng được danh mục công trình, dự án ưu tiên thực hiện trong giai đoạn tới để tập trung nguồn lực, phát huy hiệu quả.
TP. HCM quyết định thành lập Ban Dân tộc – Tôn giáo
Ngày 11/12/2024, HĐND TP. HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026, đã thông qua dự thảo Nghị quyết về sáp nhập Ban Tôn giáo (thuộc Sở Nội vụ) vào Ban Dân tộc (thuộc UBND Thành phố) thành Ban Dân tộc – Tôn giáo Thành phố.
Nghị quyết nêu rõ, Ban Dân tộc – Tôn giáo TP. HCM là cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố , thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND Thành phố quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp, ủy quyền của UBND Thành phố và theo phân công, ủy quyền của Chủ tịch UBND TP. HCM.
Ban Dân tộc – Tôn giáo TP. HCM chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND Thành phố; đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về nghiệp vụ của cơ quan quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực cấp trên.